Xin đừng chườm đá và dán Salonpas tuỳ tiện

Bạn có biết chườm đá và dán Salonpas là cách trị liệu nóng hoặc lạnh đối với vết thương không? Và bạn có hiểu khi nào nên trị liệu lạnh hoặc nóng không?

Trị liệu nóng và lạnh là 2 phương pháp trị liệu chấn thương đơn giản mà lại vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cần nắm rõ khái niệm và tác dụng cơ bản của từng loại để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra. Trong trường hợp bạn đã áp dụng đúng cách mà vẫn còn tình trạng đau và xuất hiện những tác dụng phụ thì xin dừng thực hiện phương pháp trị liệu ngay lập tức và đến cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời. 1 lưu ý quan trọng, đây chỉ là 2 phương pháp trị liệu giúp giảm đau và tăng cường khả năng hồi phục của chấn thương và hoàn toàn không mang tính chất chữa trị những chấn thương nặng.

KHÔNG BIẾT XIN ĐỪNG TÀI LANH MÀ MANG HOẠ

Xin đừng chườm đá và dán Salonpas tuỳ tiện
Xin đừng chườm đá và dán Salonpas tuỳ tiện

- Dán Salonpas trên 8 tiếng/ ngày.
- Sử dụng Salonpas để giảm đau ở mọi chấn thương.
- Chườm đá lâu hoặc dùng cao dán Salonsip, Salonpas qua đêm.
Nghe quen thuộc với bạn chứ? Đây là những cách mà được mọi người áp dụng hằng ngày để sơ cứu và giảm đau cho những chấn thương như bong gân, đau cơ, đau khớp, đau lưng, đau đầu ... và có 1 sự thật là 3 cách mình kể trên đều sai hoàn toàn.

Hiện nay rất nhiều người vẫn nghĩ rằng sử dụng cao dán là an toàn và vô hại nên đã lạm dụng chúng trong mọi chấn thương, trường hợp. Mình không phủ nhận sự hiệu quả mà những phương pháp này mang lại, tuy nhiên chúng có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng nếu áp dụng sai cách. Vậy làm sao để chườm đá và sử dụng cao dán hiệu quả? Trước hết, chúng ta cần phải tìm hiểu và phân biệt được 2 phương pháp trị liệu chấn thương, đó là trị liệu lạnh (cold) và trị liệu nóng (heat):

TRỊ LIỆU LẠNH - COLD

Chườm đá là phương pháp trị liệu lạnh
Chườm đá là phương pháp trị liệu lạnh

Chườm đá, dùng cao dán Salonsip, ngâm người trong bồn nước đá là những cách áp dụng phương pháp trị liệu lạnh. Phương pháp này có tác dụng làm giảm lưu thông máu, chất lỏng đến 1 vùng nhất định và làm co các mạch máu lại với mục đích giảm tình trạng viêm, sưng, đặc biệt là xung quanh các khớp hoặc gân.

1. Nên sử dụng trị liệu lạnh khi nào:
+ Bạn nên sử dụng phương pháp này trong giai đoạn đầu của chấn thương (72 tiếng đầu tiên) vì trong quãng thời gian này, vị trí chấn thương sẽ xảy ra tình trạng viêm, nghĩa là máu sẽ tụ đến vùng chấn thương và dẫn tới bong gân, những vết bầm tím. Lúc này, áp dụng trị liệu lạnh sẽ giúp giảm đau và tăng cường khả năng hồi phục của vết thương
+ Áp dụng cho những chấn thương cấp tính như bong gân, sưng phù, căng cơ, bầm tím.

2. Không nên sử dụng trị liệu lạnh khi nào:
+ Tuyệt đối không nên sử dụng phương pháp này với những người bị rối loạn cảm giác, tuần hoàn máu kém, bị bệnh tiểu đường vì có thể dẫn đến tổn thương thần kinh và làm giảm hoạt động của cơ bắp
+ Đối với phụ nữ mang thai hoặc cho con bú thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp này.

3. Lưu ý khi sử dụng trị liệu lạnh:
+ Không chườm đá trực tiếp vào da vì có thể gây kích ứng, bỏng ... thay vào đó, nên quấn thêm 1 lớp khăn xung quanh.
+ Không sử dụng cho vết thương hở.
+ Không chườm đá quá 20 phút/ lần, nên chia ra nhiều lần trong ngày để đạt được hiệu quả.
+ Không sử dụng cao dán Salonsip quá 8 tiếng /ngày hay qua đêm.

TRỊ LIỆU NÓNG - HEAT

Dán Salonpad là phương pháp trị liệu nóng
Dán Salonpad là phương pháp trị liệu nóng

Các cách dùng phương pháp trị liệu nóng có thể kể đến như cao dán Salonpas, bình xịt nóng, trứng gà luộc, ngâm trong bồn nước nóng, xông hơi ... Trái ngược với phương pháp trị liệu lạnh, trị liệu nóng sẽ làm tăng lưu thông máu và làm giãn mạch máu. Phương pháp này có thể giúp làm dịu cơ bắp và chữa lành các mô bị tổn thương.

1. Nên sử dụng trị liệu nóng khi nào: phương pháp này được sử dụng đối với những chấn thương mãn tính như đau nhức cơ, đau khớp, co cứng cơ ... hoặc được áp dụng xen kẽ với phương pháp trị liệu lạnh ở giai đoạn phục hồi về sau của chấn thương. Do kích thích lưu thông máu nên trị liệu nóng sẽ giúp cho nhóm cơ bị đau trở nên thả lỏng, thư giãn.

2. Không nên sử dụng trị liệu nóng khi nào:
+ Tuyệt đối không sử dụng phương pháp này khi bị bong gân hoặc bầm tím. Thay vì làm giảm áp lực máu thì bạn đang bơm máu vào chỗ bị thương nhiều hơn, khiến cho chấn thương càng trở nên nặng nề.
+ Không sử dụng cho vết thương hở.
+ Không sử dụng phương pháp này đối với những người có bệnh lý về tiểu đường, viêm da, tuần hoàn máu, đa xơ cứng vì những người này do có nguy cơ bị bỏng hoặc biến chứng do nhiệt độ cao.
+ Đối với phụ nữ mang thai, cho con bú hoặc người có tiền sử bệnh tim thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp này.

3. Lưu ý khi sử dụng trị liệu nóng:
+ Sử dụng ở nhiệt độ vừa phải, không quá cao.
+ Không sử dụng cao dán nóng trên 8 tiếng/ngày hoặc qua đêm.

Nguyễn Hữu Nhật Quang
MST: 8120524465
SĐT: 0909997104
lichtapgym.com@gmaildotcom
18 Trần Thiện Chánh, P12 Q10

CHÍNH SÁCH CHUNG
CHÍNH SÁCH BẢO MẬT
CHÍNH SÁCH KHÁC
Thông báo bộ công thương

  1. Lịch tập gym |
  2. Kiến thức gym