Có thể bạn đã biết thì ngày 14-11 là ngày Đái tháo đường thế giới được lập ra để chúng ta cùng nhận thức được vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe này. Ngày Đái tháo đường Thế giới nâng cao nhận thức toàn cầu về bệnh đái tháo đường, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng trên thế giới và cách phòng bệnh trong phần lớn các trường hợp.
THƯỜNG XUYÊN VẬN ĐỘNG VÀ ĂN UỐNG KHOA HỌC
Vài dòng về ngày Đái tháo đường Thế giới
Do Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng, Ngày Đái tháo đường Thế giới được tổ chức vào ngày 14-11 để đánh dấu ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra Insulin - 1 phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường, vào năm 1922.
Đái tháo đường là tình trạng cơ thể không sử dụng Glucose 1 cách bình thường. Glucose là nguồn năng lượng chính cho tế bào. Nồng độ Glucose trong máu được kiểm soát bởi Insulin là nội tiết tố được tiết ra từ tụy. Insulin giúp Glucose đi vào tế bào. Nguyên nhân gây bệnh Đái tháo đường là do có sự kháng Insulin hay sự thiếu hụt sản xuất Insulin, do đó Glucose không được đưa từ máu vào trong tế bào. Khi cơ thể không sản xuất đủ hay không sử dụng được Insulin, tế bào không thể dùng Glucose tạo ra năng lượng và đường huyết sẽ tăng cao. Do đó để có nguồn năng lượng thay thế cơ thể phải phân hủy chất béo và Protein cơ để sử dụng.
Tỉ lệ bệnh Đái tháo đường đang tăng nhanh trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính có khoảng 380 triệu người mắc bệnh Đái tháo đường vào năm 2025. Mặc dù có khoảng 4% dân số thế giới mắc bệnh Đái tháo đường nhưng nhiều người không hiểu rõ về căn bệnh này. Trên thế giới, cứ mỗi 10 giây thì có 2 người bị đái tháo đường, cứ mỗi 30 giây thì có 1 người bị cắt chân do biến chứng đái tháo đường, cứ mỗi 7 giây thì 1 người chết do bệnh này mà 80% số chết xảy ra ở nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và dự báo đến năm 2040 số người mắc đái tháo đường sẽ tăng lên 6,1 triệu người. Trong số những người mắc đái tháo đường có đến 70% không biết mình bị bệnh, 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như: trụy tim mạch, suy thận, rối loạn thần kinh, hư hỏng bàn chân ...
Bệnh tiểu đường ngày nay có liên hệ mật thiết với các thói quen sống trong ăn uống và vận động thể chất. Cụ thể chế độ ăn hiện đại với các loại thức ăn đóng gói, và đồ ăn nhanh sử dụng nhiều đường, dầu mỡ, thiếu chất xơ là những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp góp phần gây tiền tiểu đường và tiểu đường. Việc mọi người không chủ đồng rèn luyện thể chất thường xuyên cũng là 1 yếu tố nguy cơ gây ra bệnh do vấn đề thừa cân và béo phì. May mắn rằng, chúng ta có thể ngăn ngừa và loại trừ các yếu tố nguy cơ gây bệnh bằng việc rèn luyện thể chất thường xuyên, đặc biệt là luyện tập kháng lực với tạ, cân đối mức năng lượng (Calo) trong chế độ ăn, gia tăng lượng protein, giảm lượng carbohydrate, chất béo bão hòa, hạn chế các loại thức ăn đóng gói, đóng hộp, thức ăn nhanh.
Bởi vậy, nhiệm vụ của chúng ta với tư cách là những người tiên phong cho 1 lối sống lành mạnh là giúp cho những người xung quanh chúng ta nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường và có lối sống lành mạnh, rèn luyện thể chất kết hợp với dinh dưỡng hợp lí để phòng ngừa và loại trừ các yếu tố rủi ro gây bệnh tiểu đường nói riêng và các bệnh tim mạch nói chung. Hãy bắt đầu từ chính gia đình, bạn bè, tới đồng nghiệp của mình, dù rằng mỗi chúng ta không phải là người có tầm ảnh hưởng quá lớn như người nổi tiếng, nhưng nếu bạn và tôi, chúng ta đồng lòng hoàn toàn có thể giúp xã hội nhận thức được tầm quan trọng của các lối sống lành mạnh với cộng đồng.