Tư thế và cơn đau có liên quan đến nhau không

Những bằng chứng mới của khoa học đã chứng minh tư thế tệ nhưng lại không đau hoặc đau nhưng lại không liên quan đến tư thế. Nhiệm vụ chính của huấn luyện viên là giúp khách hàng tập luyện an toàn và hiệu quả để nâng cao thể chất và tinh thần chứ không phải chữa trị

Rất nhiều huấn luyện viên hiện nay sử dụng những bài kiểm tra/ thẩm định để đánh giá những yếu tố về thể chất và vận động của khách hàng. Thẩm định về tư thế là 1 trong những công cụ phổ biến để đánh giá nguy cơ chấn thương và cơn đau của khách hàng đã, đang và sẽ gặp phải. Hàng loạt những khóa học về thẩm định tư thế để đánh giá những yếu tố kể trên được mở ra dành cho huấn luyện viên và nó thu được rất nhiều lợi nhuận từ việc này

Tư thế không liên quan đến cơn đau và nguy cơ chấn thương
Tư thế không liên quan đến cơn đau và nguy cơ chấn thương

ĐẶT VẤN ĐỀ

Dù Fitness vẫn đang là 1 ngành non trẻ ở Việt Nam nhưng vài năm trở lại đây, huấn luyện viên đã đẩy mạnh việc trau dồi và trang bị những kiến thức mới. Tuy nhiên, họ còn thiếu rất nhiều những kiến thức nền và kĩ năng tư duy và chọn lọc thông tin nên đa phần huấn luyện viên chỉ tiếp cận vấn đề dựa trên những phương pháp (methods) họ đã học mà không thật sự hiểu bản chất. Những huấn luyện viên này thường sẽ giải quyết những vấn đề của khách hàng 1 cách giống nhau và thường sẽ không hiệu quả, thậm chí tệ đi.

Dù có kiến thức nền rất hạn chế, huấn luyện viên lại lạm dụng kiến thức về giải phẫu (Anatomy) và cơ sinh học (Biomechanics) để đánh giá và hướng dẫn khách hàng. Họ thường dọa chính khách hàng của mình về vấn đề cơ thể (vấn đề này thậm chí không có thật, khách hàng không gặp phải hoặc họ không đủ khả năng đánh giá). Huấn luyện viên nhấn mạnh những vấn đề về cấu trúc cơ thể (Anatomic Differences), tư thế xấu (poor Postures) hay chuyển động bất thường (Abnormal Movement Patterns).

BÀN LUẬN

Tư thế không liên quan đến cơn đau và nguy cơ chấn thương. Mình sẽ đưa ra những bằng chứng mạnh và mới để xác nhận điều nầy

1. Tư thế tệ nhưng lại không đau:

+ Không có bằng chứng cho thấy những trải nghiệm về vận động (Physical Exposure) như độ cong của cột sống (Spinal Curvature), đứng, ngồi, gập (Bending) và xoay (Twisting), tư thế tệ (Awkward Postures), hoạt động thể chất nặng (Heavy Physical Work), rung cơ thể (Whole Body Vibration) là nguyên nhân của đau lưng dưới. Dù cho có những bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa thời gian đứng hay ngồi kết hợp với tư thế tệ hay thậm chí tập với tư thế không tự nhiên có liên hệ hoặc tiềm ẩn nguy cơ đau lưng dưới, nhưng những bằng chứng này chưa đủ mạnh, chưa rõ ràng và chưa đồng nhất. Hơn nữa, mối quan hệ này không cho thấy được sự giải thích về nguyên nhân đau lưng dưới là do tư thế (quan hệ chưa chắc là hệ quả - correlation does not imply causation). Systematic review này đánh giá, tổng hợp và so sánh nhiều nguyên cứu dựa vào nhiều tiêu chí để ủng hộ cho điều mình vừa nói (Swain et al., 2019). Study này lọc 6050 nghiên cứu và so sánh 41 nghiên cứu mạnh (trong đó có 11 meta-analyses) trong cùng 1 hệ quy chiếu để kết luận điều này.

+ Không có bằng chứng mạnh cho thấy sự khác biệt của việc cổ bị đưa ra phía trước (forward head posture), ngửa cổ (head extension), nghiêng cổ (lateral flexion) hay xoay cổ (rotation) giữa những người đau cổ và không đau cổ. Đây cũng là 1 systematic review mạnh khi lọc ra 3142 nghiên cứu để so sánh ra 13 studies phù hợp với tiêu chí đánh giá (Silva, Sharples, & Johnson, 2010).

+ Gù lưng (thoracic kyphosis) chưa chắc là nguyên nhân quan trọng trong việc hình thành việc đau vai. Systematic review này phân tích 10 nghiên cứu với gần 2800 người và cho thấy được không có sự khác biệt nào của việc gù lưng với những người đau và không đau vai. Mặc dù có vài bằng chứng cho thấy người thẳng lưng có phạm vi chuyển động của vai lớn hơn so với người gù lưng hay giảm gù lưng thúc đẩy việc mở rộng phạm vi chuyển động của vai. Tuy nhiên bằng chứng này là ngắn hạn (single-session studies) nên hiệu quả lâm sàng còn chưa rõ ràng) (Barrett et al., 2016).

+ Không có bằng chứng về mối quan hệ giữa đau hàm (temporomandibular disorders) và tư thế của đầu và cổ (head and cervical posture). Systematic review này lọc 203 nghiên cứu xuống 17 cái để phân tích cùng 1 tiêu chuẩn và kết luận rằng mối quan hệ này không rõ ràng, còn nhiều tranh cãi, và cần thêm những phương pháp nghiên cứu chất lượng cao hơn nữa để chấp nhận hoặc bác bỏ luận điểm này (Croci & Caria, 2013).

+ Bằng chứng về bàn chân bẹt làm tăng nguy cơ chấn thương thân dưới còn quá yếu vì những vấn đề về phương pháp nghiên cứu và hệ số ảnh hưởng quá nhỏ (small effect size). Cần những bằng chứng mạnh hơn nữa để phân tích tư thế của bàn chân và phương pháp phân tích chuyển động của thân dưới hiệu quả hơn để đưa ra được kết luận (Buldt et al., 2013).

2. Đau nhưng lại không liên quan đến tư thế:

+ Có rất nhiều loại cơn đau mà không liên quan đến tư thế, hay chấn thương vật lí. Ví dụ, dù có những bệnh nhân thoát vị trải nghiệm đau và tê vùng lưng dưới nhưng cũng không ít người không bộc lộ triệu chứng gì và cũng không gặp trở ngại gì trong sinh hoạt. Hay huấn luyện viên cứ tiếp cận 1 người đau xơ cơ (fibromyalgia) bằng việc giãn và massage cho họ suốt thì đó không phải là 1 phương pháp lâu dài (các nhà khoa học chưa tìm ra được nguyên nhân của fibromyalgia).

+ Có nhiều loại cơn đau khác nhau (về nguyên nhân và sinh lí bệnh) và cũng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ cường độ và tần suất của cơn đau: Sinh học (biological), Tâm lí (Psychological), Nhận thức (Cognitive), Di truyền (Heritability), Môi trường (Environmental), Văn hóa xã hội (Social Culture), Giới tính (Sex & Gender) và Tuổi thọ (Lifespan). Ví dụ, 1 người gặp biến cố trong cuộc sống và hình thành cơn đau tâm lí (psychogenic pain) thì họ có thể đau đầu, đau lưng, hay đau bụng mà không gặp phải do tổn thương vật lí nào gây ra. Có những người không gặp chấn thương về cơ hay xương khớp nhưng lại có vấn đề về thần kinh ngoại biên (peripheral neuropathic pain) và trung ương (central neuropathic pain) nên có thể dẫn đến việc nhạy cảm với cơn đau (allodynia và hyperalgesia).

HƯỚNG GIẢI QUYẾT

Huấn luyện viên cần dừng ngay việc dọa khách hàng bằng những vấn đề về cơ thể của họ với bất kể lí do gì vì điều đó không những không giúp ích được khách hàng mà sẽ khiến vấn đề trở nên tệ hơn (vì như đã đề cập ở trên, tâm lí sợ hãi có thể khiến cơn đau càng trở nên trầm trọng). Huấn luyện viên cần trang bị những kiến thức nền tảng và kĩ năng cần thiết để tiếp cận vấn đề của khách hàng 1 cách đa chiều và có khoa học thực chứng.

NHẮN NHỦ

4 năm trước mình đã từng nói trong 1 Workshop ở Việt Nam về vấn đề mất cân bằng cơ và vấn đề tư thế. Tuy nhiên, điều này đã trở thành cũ và bằng chứng đã yếu đi rất nhiều qua thời gian. Nếu bạn đọc hết bài post này cũng đừng vội kết luận rằng mình đang nhắm đến những bên đào tạo về vấn đề này.

Thứ nhất, mình đã có thể được hưởng lợi rất nhiều từ việc đào tạo huấn luyện viên, thậm chí trước đó rất lâu rồi, nhưng mình chọn không làm nó vì nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Thứ hai, nhiệm vụ chính của huấn luyện viên là giúp khách hàng tập luyện an toàn và hiệu quả để nâng cao thể chất và tinh thần chứ không phải chữa trị. Xin đừng làm 1 nhà vật lí trị liệu nửa vời (và những kiến thức bị lạm dụng kể trên hiện tại vẫn còn trong vật lí trị liệu nhưng nó đã là của thế kỉ trước).

Thứ ba, mình cho rằng khoa học là luôn tìm ra cái sai, không dám thừa nhận mình sai hoặc gạt bỏ cái được thực chứng mới và tốt hơn mới chính là phản khoa học. Huấn luyện viên nên tìm cho mình những bên có chuyên môn nền tảng tốt để có thể nâng cao khả năng của bản thân.

Nguyễn Hữu Nhật Quang
MST: 8120524465
SĐT: 0909997104
lichtapgym.com@gmaildotcom
18 Trần Thiện Chánh, P12 Q10

CHÍNH SÁCH CHUNG
CHÍNH SÁCH BẢO MẬT
CHÍNH SÁCH KHÁC
Thông báo bộ công thương

  1. Lịch tập gym |
  2. Kiến thức gym