Nếu đọc các bài viết chia sẻ về tư thế của mình có lẽ các bạn sẽ bị ngợp về kiến thức liên quan đến chủ đề này, tuy nhiên đó là do những thứ cơ bản đã được chia sẻ hết trước đây rồi nên các follow về sau sẽ không thấy chúng đâu. Thực ra điều mình luôn nhắc đến đầu tiên khi 1 bạn học sinh hỏi mình về các cơn đau của khách hàng là: "Họ đã vận động đủ chưa?". Và phần lớn sẽ nhận thấy 1 hiện tượng là khi chăm chỉ đi tập đều đặn thì phần lớn các cơn đau đều giảm đi nhưng khi không còn chăm chỉ thì các cơn đau cũng hành hạ nhiều hơn. Điều này đặc biệt rõ ràng ở vùng vai gáy. Ở bài viết này mình sẽ giải thích cho mọi người tại sao lại như vậy.
ĐỪNG NGHĨ CỨ ĐAU GÁY LÀ DO ĐỐT SỐNG CỔ
Thiếu vận động là nguyên nhân chính gây đau gáy
Khi bị đau vùng cổ, vai và gáy thứ mà nhiều người sẽ nghĩ đến và nghe đến nhiều nhất là bị bệnh lí đốt sống cổ như thoái hoá hay gai xương. Nhưng thực ra đa số các cơn đau các bạn gặp phải trong cuộc sống này, ngoại trừ tai nạn thường có liên quan đến phần mềm (cơ bắp, mô liên kết) hơn là xương và khớp. Đó là thói quen sinh hoạt không phù hợp của chúng ta làm cho các mô mềm bị thay đổi tính chất, như trở nên cứng hơn, từ đó có thể gây chèn ép, gây mất chắc chắn cho khớp xương ...
Và thói quen sinh hoạt ở đây bao gồm có những gì bạn làm khi ngủ (tư thế ngủ), khi lái xe đến chỗ làm (tư thế lái xe), khi làm việc (tư thế ngồi, thao tác công việc), khi luyện tập (tư thế khi tập, độ cân đối của giáo án), khi làm việc nhà, khi tham gia các activities khác. Các mô liên kết của bạn có khả năng thay đổi về hình dạng và tính chất dựa trên thói quen sinh hoạt của bạn. Cụ thể là tính xúc biến, khả năng chuyển từ trạng thái cứng như gel sang trạng thái mềm, ướt và ngược lại. 1 ví dụ để cho bạn hình dung dễ hơn là với chiếc kẹo dẻo, chắc ai trong chúng ta cũng từng ăn khi bé. Khi ta lấy kẹo khỏi bao nếu như nhiệt độ bảo quản kẹo đủ mát thì nó sẽ cứng hơn nhưng nếu chúng ta để ở nơi nóng nó sẽ chảy ra.
Vậy 1 phần vấn đề của việc thiếu vận động là các vùng trên cơ thể bạn sẽ lạnh hơn và phần mô liên kết tại đó sẽ trở nên cứng hơn và gây ra rắc rối như mình vừa phân tích ở trên.
Nhờ việc vận động mà tốt hơn hết là các bài tập cho toàn bộ các khớp được vận động đủ biên độ chúng ta có thể phòng ngừa và giảm được các cơn đau nhức khó chịu là vì như vậy. Ngoài vận động thì các bài tập kéo giãn, tác động vào mô mềm (myofascial release) cũng sẽ rất hữu ích trong việc loại bỏ cơn đau, nhưng vai trò của chúng chỉ là hỗ trợ, điều quan trọng nhất là hãy giữ cho cơ thể được vận động đầy đủ, với điều kiện là bạn tập các bài đúng kĩ thuật, lượng sức, sẽ là cách tốt nhất để ngăn ngừa các cơn đau khó chịu cho những ai ít vận động trong ngày, đặc biệt là dân văn phòng.
Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích hãy chia sẻ nó cho những người xung quanh nhé. Mình cũng muốn được lắng nghe ý kiến & thắc mắc từ phía các bạn để có thể chia sẻ những chủ đề hữu ích cho mọi người hơn.