Hội chứng dải chậu chày hay IT Band là gì

Nếu bạn đi đau sau khi chạy 1 thời gian hoặc tập lưng hay các bài chân thì có thể bạn đang mắc phải hội chứng dải chậu chày - IT Band. Hội chứng dải chậu chày là một trong những chấn thương do tập quá sức hay gặp nhất ở những người chạy bộ. Cách điều trị tốt nhất và hiệu quả nhất đó là giảm tải cho dây chằng hay tìm kiếm sự tư vấn của chuyên gia chấn thương thể thao, bác sĩ chuyên khoa

HỘI CHỨNG DẢI CHẬU CHÀY - IT BAND

Nếu bạn đi đau sau khi chạy 1 thời gian hoặc tập lunge hay các bài chân thì có thể bạn đang mắc phải hội chứng dải chậu chày - IT Band (Iliotibial Band Syndrome - ITBS). Nó là một trong những chấn thương do tập quá sức hay gặp nhất ở những người chạy bộ.

Dải chậu chày là một dây chằng nằm ở mặt ngoài đùi kéo dài từ hông đến mặt ngoài đầu gối, nối xương chậu với xương chày. Các hệ thống cơ đùi, đặc biệt là cơ căng mạc đùi (Tensor Fasciae Latae, TFL) đều liên quan đến dải cơ này. Dải chậu chày bó quanh gối giúp cố định và truyền động cho khớp gối.

Hội chứng dải chậu chày - IT Band
Hội chứng dải chậu chày - IT Band

Hội chứng dải chậu chày là tình trạng khi dây chằng này bị bó chặt và bị viêm. Nguyên nhân của tình trạng viêm là do vận động quá nhiều, hoặc vận động không đúng cách, dẫn đến dây chằng bị trật khỏi vị trí ban đầu, cọ xát vào những tổ chức xung quanh. Tình trạng viêm cũng hạn chế máu đến nuôi cơ vùng nàynày. Khi ấy, mỗi chuyển động của khớp gối (và như vậy là việc chạy bộ) sẽ gây ra đau đớn hay nhức nhối. Hội chứng này có thể nghiêm trọng tới mức người chạy bộ phải nghỉ dưỡng thương cả tuần, cả tháng, thậm chí dài hơn.

Cách nhận biết hội chứng dải chậu chày - IT Band
Cách nhận biết hội chứng dải chậu chày - IT Band

NHẬN BIẾT KHI BẠN MẮC ITBS

Bởi vì triệu chứng dễ nhận thấy và cũng hay gặp nhất là sưng và đau mặt ngoài của đầu gối, rất nhiều runner nhầm tưởng nó với chấn thương đầu gối. Cách nhận biết đơn giản nhất đó là hãy gập đầu gối một góc 45 độ. Nếu bạn bị ITBS, bạn sẽ thấy đau ở mặt ngoài của đầu gối. Bạn cũng biết mình bị đau dải chậu chày nếu đứng trên chân bị đau và thấy cảm giác nhức nhối tăng lên. Thêm vào đó , chụp cộng hưởng từ sẽ cho hình ảnh khẳng định nếu chấn thương bạn gặp phải liệu có là ITBS không. Chụp X-quang thông thường sẽ không thấy hình ảnh tổn thương rõ, tuy nhiên cộng hưởng từ có thể thấy sự dầy lên của dây chằng này, biểu hiện của việc viêm dây chằng.

CÁC NGUYÊN NHÂN THƯỜNG DẪN TỚI ITBS

Hội chứng ITBS thường là kết quả của hành động chân chạm đất ngả vào trong liên tục và kéo dài (Trước đây tôi cũng từng viết về cách tiếp đất sai làm bàn chân bị quay sấp quá mức trong quá trình tập chạy trên máy treadmill). Nó có thể là do giày không phù hợp, chạy xuống dốc hoặc chạy trên nền cát, chạy một cung đường lặp lại quá nhiều theo cùng một hướng, hoặc đơn giản là do chạy quá dài. Không giống như những chấn thương do tập quá sức khác của dân chạy bộ, chấn thương ITBS gặp ở cả người mới chạy ít lẫn những người chạy lâu năm. Vì cấu trúc của dây chẳng này nằm dọc mặt ngoài của đùi, nối từ hông xuống mặt ngoài của gối, khi xuống gần tới gối, nó có xu hướng bó hẹp lại, và các bó gân bám tại đây sẽ có nhiều cơ hội cọ xát vào nhau và vào xương hơn. Điều này kéo dài sẽ dẫn đến phản ứng viêm. ITBS gặp ở nữ nhiều hơn nam giới, vì tự nhiên là cấu trúc xương hông của nữ làm dây chằng này có xu hướng kéo đầu gối hướng vào trong hơn.

Chẩn đoán, điều trị và ngăn ngừa hội chứng IT Band
Chẩn đoán, điều trị và ngăn ngừa hội chứng IT Band

NGĂN NGỪA CHẤN THƯƠNG ITBS

Sau đây là một số bước bạn có thể làm để phòng tránh chấn thương này:
+ Điều quan trọng nhất đó là giảm cường độ tập luyện hoặc nghỉ vài ngày khi bạn thấy đau ở mặt ngoài đầu gối.
+ Hãy đi bộ khoảng 500m đến 1km trước khi bắt đầu chạy.
+ Hãy chắc chắn giày chạy của bạn phù hợp với chân bạn, nếu cần thiết, hãy thay giày chạy
+ Hãy chạy ở trục giữa của đường, nơi có độ phẳng nhất ( để an toàn, hãy chỉ chọn con đường không có hoặc ít xe cộ và sáng nhất để tránh người khác đâm vào mình )
+ Đừng chạy trên nền bê tông
+ Nếu bạn chạy trên một cung đường đua hình vòng, hãy đổi hướng chạy sau vài vòng chạy.
+ Hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc không có vẻ đỡ đi sau vài tuần.

ĐIỀU TRỊ ITBS

Khi bạn cảm thấy có triệu chứng cơn đau của ITBS, cách tốt nhất và hiệu quả nhất đó là giảm tải cho dây chằng này ngay lập tức. Điều này có nghĩa là chạy ít đi, hoặc thậm chí nghỉ chạy hoàn toàn trong vài ngày. Đối với đa số các runner, việc nghỉ ngơi ngay lập tức này sẽ giúp triệu chứng đau không tái phát về sau. Nếu bạn không cho dây chằng nghỉ ngơi và tiếp tục chạy, ITBS có thể trở thành mãn tính.

Khi bạn nghỉ chạy, bạn có thể tập luyện các môn phối hợp khác như bơi, chạy dưới bể bơi, đạp xe, bơi thuyền ... riêng leo núi thì không bởi vì nó cũng gây áp lực lên dây chằng giống như chạy. Nẹp cạnh gối có thể có tác dụng tốt, chườm đá, chườm nóng, siêu âm hoặc châm cứu với việc sử dụng thuốc chống viêm và giảm đau cũng là các biện pháp có thể cân nhắc tùy mức độ.

Bạn nên hạn chế đeo túi nước quanh bụng. Dải chậu chày bắt nguồn từ xương chậu, nên mọi áp lực lên vùng hông, chậu đều ảnh hưởng đến cơ căng mạc đùi và nặng thêm ITBS. Bạn cũng nên mat-xa vùng đùi và cơ căng mạc đùi. Miếng bọt lăn (foam roller) là một biện pháp hiệu quả. Cần lăn mạnh trên vùng đau.

Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau vài tuần, hãy tìm kiếm sự tư vấn của chuyên gia chấn thương thể thao, bác sĩ chuyên khoa. Bạn có thể sẽ cần tiêm cortison để làm mềm sẹo nơi dây chằng và giúp tiến trình hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên cortison cũng có những tác dụng phụ của nó, nó có thể làm yếu hệ dây chằng và gân. Cân nhắc việc tiêm cortison chỉ khi thực sự cần thiết. Cách cuối cùng đó là giải phẫu để giải phóng dây chằng. Thời gian hồi phục trung bình với trường hợp nhẹ là 2-4 tuần, đau mức độ vừa cần 7-10 tuần, trong khi những chấn thương nặng của dải chậu chày đòi hỏi 10-24 tuần để có thể hồi phục hoàn toàn.

Nguyễn Hữu Nhật Quang
MST: 8120524465
SĐT: 0909997104
lichtapgym.com@gmaildotcom
18 Trần Thiện Chánh, P12 Q10

CHÍNH SÁCH CHUNG
CHÍNH SÁCH BẢO MẬT
CHÍNH SÁCH KHÁC
Thông báo bộ công thương

  1. Lịch tập gym |
  2. Kiến thức gym