Cơ quan nặng nề, gánh trọng trách nhất của hệ tiết niệu chính là hai quả thận. Đây là bài thông tin liên quan các vấn đề về thận, mọi thông tin được trích xuất từ nghiên cứu khoa học và hi vọng sẽ có hữu ích cho mọi người. Hãy luôn bảo vệ thận của mình khỏe mạnh nhé
Cơ quan quan trọng nhất hệ tiết hiệu là 2 quả thận
GÁNH NẶNG BỆNH TẬT TỪ THẬN
1. Các bệnh nhân bị thận mãn tính (Chronic Kidney Disease – CKD) thường bị bệnh tim hoặc mạch máu não và tử vong do 1 trong 2 loại bệnh này bị biến chứng.
2. Chức năng thận bị thay đổi thường thấy ở bệnh nhân tăng huyết áp và bệnh tim thiếu máu cục bộ, cả 2 đều có liên quan đến tăng tỷ lệ mắc và tử vong do tim mạch.
3. Khoảng 30% bệnh nhân tiểu đường có bệnh thận do tiểu đường với tỷ lệ cao hơn ở 1 số dân tộc.
3 dòng trên này cho mình thấy sự thật là cơ thể như bộ máy sinh học, bất kì 1 chỗ nào hỏng hóc là sẽ kéo theo cả 1 bộ máy bị hỏng, hủy hoại dần. Nói chung, bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối là bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD) và chức năng được thay thế bằng liệu pháp thay thế thận (RRT), chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc cấy ghép.
NGUYÊN NHÂN GÂY CÁC BỆNH VỀ THẬN & HỆ TIẾT NIỆU
1. Bệnh di truyền: kiến thức về bệnh thận di truyền đã thay đổi hoàn toàn với những tiến bộ trong sinh học phân tử và công nghệ giải trình tự gen. Các bệnh thận di truyền rất hiếm, căn bệnh này có tỷ lệ 1 trên 1000 người và ảnh hưởng đến khoảng 10 triệu người trên toàn thế giới. Nhiều bệnh di truyền khác có thể dẫn đến ESRD, nhưng chúng chỉ chiếm 1 tỷ lệ nhỏ trong tất cả những người bị ESRD. Điều này có thể giúp chúng ta bớt lo lắng hơn nếu không may mắn bố hoặc mẹ chúng ta mắc bệnh thận vì tỉ lệ do di truyền là rất hiếm.
2. Viêm cầu thận: được chia thành 2 loại chính là nguyên phát hoặc thứ phát. Xơ vữa cầu thận liên quan tới sẹo của cầu thận. Mặc dù viêm cầu thận và xơ cứng cầu thận có những nguyên nhân khác nhau nhưng cả 2 đều có thể dẫn đến ESRD.
1 số nguyên nhân khác là do các bệnh truyền nhiễm chẳng hạn như sốt rét, bệnh sán máng, bệnh phong, bệnh giun chỉ và vi rút viêm gan B chỉ dành riêng cho vùng nhiệt đới (lãnh thổ Việt Nam nằm hoàn toàn trong vùng nhiệt đới). Điều này khiến chúng ta phải vô cùng cẩn thận trước các bệnh virus, hãy chăm chỉ đi khám tổng thể và quan tâm tới sức khỏe của mình hơn khi có các dấu hiệu bệnh tật.
3. Nhiễm trùng, sỏi và bệnh u xơ tắc nghẽn: nhiễm trùng đường tiết niệu là vấn đề khá phổ biến trên thế giới. Nhiễm trùng không biến chứng bao gồm nhiễm trùng bang quang hầu như chỉ gặp ở phụ nữ trẻ. Nam giới ít bị nhiễm trùng cấp tính, không biến chứng ở bàng quang hoặc thận với tỷ lệ mắc bệnh từ 5 đến 8 đợt trên 10.000 nam giới hàng năm. Mặc dù nhiễm trùng đường tiết niệu không biến chứng được coi là lành tính nhưng chúng có ý nghĩa về mặt y tế và tài chính ước tính khoảng 1,6 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Bớt lo lắng về mặt biến chứng thì sẽ lo lắng về mặt ví tiền.
Khoảng 15 đến 20 triệu người mắc bệnh lao trên toàn thế giới trong đó 8 triệu đến 10 triệu người là bệnh truyền nhiễm. Lao ngoài phổi thường gặp và luôn đứng thứ phát sau tổn thương nguyên phát, thường xảy ra ở phổi. Tổn thương được gọi là loét hang vị hoặc kê ảnh hưởng đến thận. Nếu không được điều trị, những tổn thương như vậy có thể tiến triển đến phá hủy thận. Nhận biết sớm và điều trị hiệu quả bệnh lao làm giảm đáng kể hậu quả liên quan đến chức năng thận.
Mặc dù phần lớn là vô căn, các yếu tố nguy cơ sau đây có liên quan đến bệnh sỏi: lượng nước tiểu thấp, tăng Acid Uric niệu, tăng oxy niệu, giảm kali niệu và hạ Canxi niệu. Tiêu chảy, kém hấp thu, ít Protein, ít Canxi, tăng tiêu thụ thực phẩm giàu oxalat và ăn ít chất lỏng có thể đóng 1 vai trò trong nguồn gốc của bệnh sỏi. Ở các nước đang phát triển, 30% tổng số ca sỏi niệu ở trẻ em là sỏi bàng quang ở trẻ em. Việc hình thành sỏi bàng quang ở trẻ em là do chế độ ăn nghèo nàn, nhiều ngũ cốc và ít đạm động vật, Canxi, phốt phát.
Không thể không khẳng định vai trò cực kì quan trọng của đạm động vật. 1 chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho sức khỏe vẫn quan trọng hơn là dăm ba cái cân nặng xong bụng vẫn to vì có giảm mỡ đâu? Ngoài ra, bố mẹ cũng nên quan tâm hơn tới chế độ ăn uống của con cái để tránh thiếu hụt Protein và Canxi. Mình đã từng biết có những gia đình bố mẹ bận quá, thậm chí lúc nào cũng để con ăn cơm với vừng, ít ruốc. Có những nhà lại đọc đâu là khoai, sắn tốt, suốt ngày bắt bọn trẻ con ăn carb vô tội vạ dư thừa, kết quả là 2 đứa nhỏ đều bị béo và mình chắc chắn là chúng ăn uống rất nghèo nàn về dinh dưỡng. Có vẻ như việc phổ biến kiến thức đúng đắn cho dinh dưỡng của trẻ chưa thật sự phát triển.
Sỏi thận có thể có các biểu hiện lâm sàng khác nhau, từ không có triệu chứng đến sỏi gây tắc nghẽn lớn ở đường tiết niệu trên có thể làm suy giảm nghiêm trọng chức năng thận và dẫn đến ESRD. Mặc dù các nguyên nhân cụ thể của sỏi thận cần được điều trị thích hợp, nhưng điều trị chung bao gồm tăng lượng nước, hạn chế ăn muối hàng ngày, ăn vừa phải Protein động vật và điều trị y tế bằng kiềm và Thiazide.
4. Tiểu đường: có thể chiếm tới 1/3 tổng số trường hợp ESRD. Dấu hiệu sớm nhất của bệnh thận do tiểu đường là xuất hiện 1 lượng nhỏ Protein trong nước tiểu (Protein niệu). Khi Protein niệu tăng và huyết áp tăng, chức năng thận sẽ suy giảm. Việc mất hoàn toàn chức năng thận xảy ra với tỷ lệ khác nhau ở các bệnh nhân tiểu đường loại 2, nhưng cuối cùng nó xảy ra ở 30% các trường hợp tiểu đạm.
DÀNH CHO AI GẶP VẤN ĐỀ VỀ THẬN ĐANG DUY TRÌ VIỆC LUYỆN TẬP
Những người chưa cần lọc máu cần lưu ý bổ sung đủ lượng Protein không quá nhiều nhưng cũng không quá ít. 1 số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở 1 số người, chế độ ăn ít Protein có thể trì hoãn sự tiến triển của bệnh thận mãn tính và ngăn ngừa các biến chứng. Nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo rằng bạn cũng không nạp quá ít Protein vì cơ thể chúng ta bắt đầu phá vỡ Protein trong cơ nếu chúng ta không cung cấp đủ Protein trong chế độ ăn uống của mình.
Theo khuyến nghị hiện nay, mọi người nên nạp được khoảng 0,8 đến 1g Protein trong chế độ ăn hàng ngày cho mỗi kg cân nặng bình thường. Tuy nhiên, những người đang lọc máu sẽ cần nhiều Protein hơn. Những người đang chạy thận nhân tạo nên có ít nhất 1,1g Protein trong chế độ ăn uống hàng ngày của họ cho mỗi kg trọng lượng cơ thể (bình thường) và những người đang thẩm phân phúc mạc nên bổ sung tối đa 1,5 gam mỗi ngày. Lý do tại sao cần nhiều Protein hơn để thẩm phân phúc mạc là vì rất nhiều Protein bị mất trong dịch thẩm tách qua phúc mạc.
Ngoài ra, việc sử dụng EAA ở những bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị suy dinh dưỡng đã cải thiện sự thèm ăn, tăng nồng độ albumin và AA trong huyết tương, và cải thiện nâng cao sức mạnh cơ bắp.
TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU
- Sarcopenia in Chronic Kidney Disease: what have we learned so far?, Journal of Nephrology, 9/2020.
- Diseases of the Kidney and the Urinary System, chapter 36, Disease Control Priorities in Developing Countries. 2nd edition, Jamison DT.
- Chronic Kidney Disease: How effective are diet and exercise?, Institute for Quality and Efficiency in Health Care (IQWiG), 2018.